Tính đến nay, trên cả nước có 165 HTX chợ, đang quản lý và kinh doanh 175 chợ. Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai là những địa phương đi đầu về xây dựng HTX chợ, với số lượng khoảng trên 50 HTX. Mô hình này cũng đang được triển khai ở nhiều địa phương khác phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư, khai thác và quản lý chợ của Chính phủ và tạo điều kiện để các chợ truyền thống từng bước nâng cao văn minh thương mại
Những năm gần đây công tác quản lý, khai thác hoạt động kinh doanh trong chợ theo mô hình ban quản lý đã xuất hiện những bất cập. Hàng năm ngân sách vẫn phải tiếp tục chi cho việc đầu tư xây dựng chợ và trả lương cho cán bộ, nhân viên ban quản lý chợ, kể cả những chợ có thu thấp hơn chi. Sự gắn bó trách nhiệm và quyền lợi giữa ban quản lý với các hộ kinh doanh không chặt chẽ, mâu thuẫn rất dễ nảy sinh. Trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ vẫn còn rất lớn, cần có một cơ chế xã hội hóa để huy động sự tham gia của cộng đồng để xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ nhỏ, nhất là ở khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, khi chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình HTX chợ, ban quản lý HTX chợ hoàn toàn chủ động trong việc kinh doanh khai thác nguồn hàng, chủ động trong công tác đầu tư nâng cấp chợ, chủ động chỉnh trang, tu bổ cơ sở hạ tầng, xây dựng điểm kinh doanh khoa học và văn minh, đáp ứng các nhu cầu của xã viên và tiểu thương buôn bán trong chợ. Hoạt động hỗ trợ cho xã viên và tiểu thương có hiệu quả thông qua các hoạt động dịch vụ, cung cấp hàng hoá, kho bãi bảo quản, thực hiện tín dụng nội bộ, quỹ hỗ trợ vốn. Về tài chính, mô hình kinh tế tự quản của HTX chợ góp phần làm giảm chi phí ngân sách nhà nước như các khoản chi lương cho các ban quản lý chợ, chi phí thường xuyên, chi phí cải tạo sửa chữa nhỏ, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…nhưng đồng thời lại tăng thu cho ngân sách.
 |
Chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh), một trong những chợ đã chuyển đổi sang mô hình sang HTX chợ. Ảnh: DCSVNOL
|
Thực hiện chương trình phối hợp hành động giữa Bộ Công Thương và Liên minh HTX Việt Nam, hai bên đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu thực tế và khảo sát tại các địa phương, qua đó đánh giá: Việc chuyển đổi mô hình từ ban quản lý chợ sang mô hình HTX quản lý chợ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả về kinh tế, xã hội tương đối khả quan. Ban quản lý chợ vẫn được ưu tiên đảm bảo việc làm, đồng thời HTX chợ cũng tạo thêm công ăn việc làm mới cho xã viên, người lao động bằng việc tổ chức hoạt động dịch vụ như trông xe, điện, nước, bảo vệ, bốc vác, bảo đảm vệ sinh môi trường, mọi chế độ của cán bộ xã viên và người lao động vẫn được đảm bảo và tăng hơn trước. Một số chợ sau khi chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình HTX chợ, mức nộp ngân sách tăng 20-30%; ví dụ chợ Nguyễn Đình Chiểu quận Phú Nhuận, chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh)…
Qua thực tế cho thấy chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình HTX chợ là điều cần thiết, nhất là trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Hoạt động kinh doanh ở chợ không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn có ý nghĩa xã hội quan trọng. Việc tham gia của các HTX chợ đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển thương mại và mở rộng thị trường trong nước nói riêng.
Nguồn: ĐCSVNOL