Thăm dò
Thống kê truy cập

null Định hướng và giải pháp xây dựng mô hình HTX sản xuất lúa gạo phát triển theo chuỗi giá trị

Liên minh HTX tỉnh
Thứ năm, 01/10/2020, 08:29
Màu chữ Cỡ chữ
Định hướng và giải pháp xây dựng mô hình HTX sản xuất lúa gạo phát triển theo chuỗi giá trị

       Lúa gạo là một loại thực phẩm không thể thiếu vắng trong nhu cầu cuộc sống con người. Vì vậy nhiều đời nay người nông dân luôn chọn lúa gạo là đối tượng chính cho việc sản xuất của mình. Ngày xưa, do quan hệ sản xuất còn rời rạc, thiếu khoa học kỹ thuật, năng suất không cao, sản phẩm làm ra không đủ hoặc có dư thừa thì cũng để trang trải trong làng xóm, trong khu vực. Nên giai đoạn này vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị không cần phải đặt ra.

Theo thời gian, với tính cần cù, sáng tạo trong sản xuất, cộng với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; sản xuất lúa gạo của người nông dân cũng phát triển vượt bậc. Những năm 1992, năng suất bình quân sản xuất lúa gạo của ta chỉ đạt 2,5 tấn/ha; trong khi năng suất bình quân của Châu Á là 2,95 tấn /ha. Đến năm 2012, năng suất sản xuất lúa gạo của ta vượt qua Châu Á (năng suất bình quân của Châu Á là 4,5 tấn /ha; năng suất bình quân của Việt Nam là 5,63 tấn/ha); hiện tại năng suất bình quân của Châu Á vẫn còn đang ở mức 4,5 tấn/ha thì tại Việt Nam năng suất bình quân đã đạt đến 8–9 tấn/ha, thậm chí có nơi đạt trên 10 tấn/ha. Trước kia người nông dân chỉ sản xuất lúa 1 vụ/năm; ngày nay sản xuất 2–3 vụ/năm. Từ đó đã làm cho lượng lúa gạo tăng lên gấp nhiều lần, vượt qua nhu cầu của làng xóm, khu vực và cả nước, buộc phải hướng đến thị trường quốc tế. Nói theo cách khác, sản xuất lúa gạo trước kia là sản xuất nhằm “tự cung, tự cấp”; sản xuất lúa gạo ngày nay là để bán “sản xuất hàng hóa”. Đã là sản xuất hàng hóa thì phải theo quy luật của thị trường; theo sự tương tác giữa cung và cầu (cung là những sản phẩm hàng hóa do chính con người tạo ra; cầu là nhu cầu sử dụng sản phẩm hàng hóa của xã hội); giữa cái cung và cái cầu rất khó cân bằng, từ đó làm cho giá cả luôn biến động. Giá sẽ tăng theo mức độ khan hiếm hàng hóa, rồi giảm sẽ giảm nhanh khi nguồn cung vượt quá cầu. Vì vậy để sản xuất lúa gạo hiệu quả cần phải tổ chức lại sản xuất; phải có sự phân công chuyên môn hóa trong từng khâu sản xuất; từ nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Nông dân ta ngày nay tiếp thu nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất nên năng suất lúa gạo của ta tăng nhanh và cao. Nhưng bình quân mỗi hộ nông dân có 02 lao động, tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hóa trong từng khâu sản xuất. Hơn thế nữa với diện tích đất sản xuất của một hộ gia đình (cho dù là 10-15 ha) cũng chẳng đáng là bao; lượng hàng hóa làm ra rất nhỏ so với tổng cung, dẫn đến họ không tìm được đối tác liên kết theo chuỗi giá trị; họ sẽ bị động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thể hiện rõ nhất là tình trạng “được mùa mất giá” một điệp khúc người nông dân luôn phải gánh chịu.

Giải pháp giúp cho người nông dân khỏi thua thiệt là tổ chức cho từng hộ riêng lẻ gắn kết lại thông qua Hợp tác xã để đủ điều kiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp thỏa thuận giá đầu vào, đầu ra cho sản phẩm ổn định; giá cả hợp lý; tránh tình trạng “được mùa mất giá”, “sản phẩm không nơi tiêu thụ”, “năng suất cao thu nhập thấp”. Đến nay tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 60 HTX lúa gạo thực hiện, đã và đang thúc đẩy gia tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.

Kết quả sơ bộ trong thực hiện chuỗi giá trị của một số HTX so với người dân tự sản xuất riêng lẻ cho thấy:

Phương thức SX

Chi phí đầu tư (ha)

Thu hoạch BQ 7T/ha;

5.000đ/kg

Tổng thu nhập

Hộ không liên kết

17,5 triệu đồng

35 triệu đồng

17,5 triệu đồng

Hộ liên kết

16,625 triệu đồng

36,05 triệu đồng

19,425 triệu đồng

Giá trị gia tăng khi tham gia chuỗi

-5%

+3%

1,925 triệu đồng

Qua 2 khâu liên kết đầu vào và đầu ra cho sản xuất giữa hộ nông dân không thực hiện liên kết với hộ nông dân thực hiện liên kết:

Hộ nông dân không thực hiện liên kết không phát sinh lợi nhuận gia tăng.

Hộ nông dân thực hiện liên kết chi phí đầu tư trên cùng một diện tích (ha) giảm 5%; giá tiêu thụ sản phẩm ổn định và tăng hơn 3%; tổng giá trị gia tăng khi tham gia chuỗi 1,925 triệu đồng, chiếm 11% tổng thu nhập cho 01 ha sản xuất trong vụ mùa.

 Giá trị gia tăng trên đối với người nông dân là rất lớn. Hiệu quả hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị của HTX đã chứng minh đây là hình thức tổ chức sản xuất hợp lý mà người nông dân đang cần hiện nay; là cơ sở để giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hóa lớn; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Việc gia tăng thu nhập cho thành viên và người lao động thông qua thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, làm cho mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm ngày thêm bền chặt...

Tuy nhiên, đây cũng là bước đầu trong thực hiện chuỗi liên kết. Ở một số nơi, một số HTX do ảnh hưởng tính cá thể, sự thiếu hiểu biết về thị trường, sự dẫn dụ của gian thương... tình trạng thành viên HTX “bẻ kèo”, HTX “bẻ kèo” vẫn còn diễn ra, uy tín trong quan hệ giao dịch HTX giảm sút; HTX mất đối tác liên kết và người nông dân nơi đây quay lại điệp khúc “được mùa mất giá”. Đây là vấn đề cần được các ngành các cấp quan tâm giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất.

Để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Trong thời gian tới tại địa phương cần tiếp tục phát huy và nhân rộng 04 loại hình liên kết cơ bản như sau:

1. HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp

Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan tìm hiểu, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, có uy tín giới thiệu cho các HTX lựa chọn ký kết hợp đồng cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra nông sản, hàng hóa cho thành viên và các hộ dân trong vùng. Liên minh HTX và các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện cần thiết thúc đẩy mối liên kết HTX với doanh nghiệp thêm bền chặt.

2. HTX liên kết với HTX

Những năm gần đây nhiều HTX hoạt động trên lĩnh vực lúa gạo của tỉnh phát triển lớn mạnh vừa có nhu cầu cung ứng một số dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm; nhằm phát huy nội lực của khu vực HTX trong ký kết hợp đồng cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra nông sản, hàng hóa cho thành viên và các hộ dân trong vùng, Liên minh HTX tỉnh vừa giới thiệu tạo điều kiện cho các HTX có thể liên kết được với nhau vừa có chính sách hỗ trợ nhất là về vốn cho mối liên kết này.

Liên minh HTX tỉnh tổ chức buổi “gặp gỡ các HTX, DN cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra với các HTX sản xuất lúa gạo”

3. Doanh nghiệp tham gia HTX

Để nâng cao giá trị hiệu quả của chuỗi liên kết, Liên minh HTX tỉnh đã thống nhất với tập đoàn Lộc Trời xây dựng loại hình “Doanh nghiệp tham gia HTX”. Cụ thể doanh nghiệp góp vốn làm thành viên HTX; cử cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia vào Ban điều hành HTX; doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cùng HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

4.  HTX đầu đàn

HTX đầu đàn” là HTX kiểu mới, có năng lực, vật lực và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức liên kết, hỗ trợ cho các HTX cùng ngành nghề về kinh nghiệm xây dựng tổ chức, định hướng hoạt động, về cơ sở vật chất lẫn kỹ thuật. Thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra tạo thành chuỗi giá trị cho sản xuất nhằm thỏa mãn lợi ích đôi bên. Thực hiện mục tiêu chung là cùng phát triển bền vững.

 HTX được công nhận là đầu đàn phải đăng ký với Liên minh HTX tỉnh các phần việc hỗ trợ cho ít nhất 04 HTX bạn; sau 01 năm kiểm tra đánh giá kết quả hỗ trợ đúng theo tiêu chí quy định, Liên minh HTX tỉnh ra quyết định công nhận vinh danh “HTX đầu đàn”.

Định hướng và giải pháp trên trong thực tế đã góp phần quan trọng tháo gở nút thắt cho sản xuất lúa gạo thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Để nhân rộng và phát huy những mô hình này trong thời gian tới Liên minh HTX tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tuyên truyền, hướng dẫn tạo các điều kiện để người sản xuất lúa gạo hiểu rõ giá trị khi thực hiện chuỗi liên kết, người sản xuất phải làm những gì để xây dựng được chuỗi giá trị, cách xây dựng như thế nào, với ai...

Định hướng và giải pháp xây dựng mô hình HTX sản xuất lúa gạo phát triển theo chuỗi giá trị là điều kiện để hạt lúa, hạt gạo của người nông dân làm ra có giá trị, phản ánh đúng công sức lao động của mình; khuyến khích người sản xuất hăng hái hơn trong lao động, tạo ra những hạt gạo “viên ngọc trời” có chất lượng ngày càng cao; để hạt gạo của chúng ta ngày càng vươn tới rộng khắp mọi nơi trên thế giới phục vụ cuộc sống của mỗi con người và góp phần quan trọng vào an ninh lương thực thế giới./.

Số lượt xem: 1773

N T D

Liên kết web
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
 
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Vũ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã
Địa chỉ: Số 114, đường Đống Đa, phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3824832 - Fax: 0291.3824832